Pages

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Nhà báo sẽ không còn thực lực trong đấu tranh với tham nhũng?


Nguồn tin là hạt nhân của báo chí, quyết định sự thành bại và tạo nên bí quyết thành công của cá nhân mỗi người làm báo cũng như của một tòa soạn báo. Người làm báo trân trọng nguồn tin, bảo vệ nguồn tin như bảo vệ chính con ngươi của mắt mình.

Trong đấu tranh chống tiêu cực, chống cái xấu, cái ác thì nguồn tin không chỉ tạo ra sức mạnh của báo chí mà còn góp phần giúp các cơ quan chức năng đấu tranh loại bỏ cái tiêu cực ra khỏi đời sống xã hội. Đây cũng chính là điều khiến báo chí phải bảo vệ bằng được bí mật nguồn tin, nếu không sẽ có những hệ lụy khôn lường cho những người cung cấp nguồn tin.

Những kẻ tham ô, thủ ác luôn tìm cách ngăn cản, thậm chí ra tay tàn độc với những người dũng cảm đương đầu với sự thật, những người cung cấp tin tức cho báo chí để vào cuộc trong hành trình đi tìm sự thật. Cũng vậy mà nguồn tin có thể công khai và có những nguồn tin ẩn danh để bảo vệ an toàn tính mạng cho mình.

Hình chỉ mang tính minh họa (nguồn: nguyenyenbaoin30a2)
Hình minh họa
Với những nguồn tin ẩn danh, trách nhiệm bảo về nguồn tin của nhà báo ngoài là mệnh lệnh mang tính đạo đức nghề nghiệp, nó còn được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là trong Luật Báo chí.

Cụ thể, Điều 7 Luật Báo chí hiện hành quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.

Đây chính là cơ sở để báo chí bảo vệ nguồn tin. Đây cũng được xem là một quy định hợp lý, tuy nhiên nó vẫn chưa thực sự đủ mạnh và còn thiếu những hành lang pháp lý mạnh để bảo vệ bằng được nguồn tin của mình. Nghĩa là cần có thêm các chế tài mạnh, các quy định pháp lý chặt chẽ để bảo vệ nguồn tin.

Vì trên thực tế nhiều cá nhân đã không dám tố cáo sai phạm vì sợ bị trả thù, và thực tế đã xảy ra điều này. Có nhiều người tố cáo sai phạm, tham ô, tham nhũng, vạ chưa được mà má đã sưng! Một khi nguồn tin không được đảm bảo bằng các biện pháp bảo vệ hữu hiệu thì liệu sẽ có bao nhiêu người đủ dũng khí, đủ công cụ pháp lý để cung cấp thông tin cho báo chí trên mặt trận phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng?

Một số nước trên thế giới thậm chí đã trao đặc quyền cho nhà báo trong bảo vệ nguồn tin, điều này được đưa hẳn vào trong Hiến pháp chứ không hẳn là một đạo luật chuyên biệt. Chẳng hạn như Cộng hòa Palau - một đảo quốc nằm ở phía Nam Thái Bình Dương - quy định: “Không phóng viên hợp pháp nào buộc phải tiết lộ thông tin theo yêu cầu của Chính phủ hay bị bỏ tù vì từ chối không tiết lộ thông tin có được trong quá trình điều tra tác nghiệp”.

Hay ở Thụy Điển, một nhà báo làm lộ danh tính nguồn tin khi không được phép của nguồn tin đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tất cả những điều này cho thấy việc bảo vệ nguồn tin quan trọng thế nào đối với hoạt động tác nghiệp của nhà báo.

Sở dĩ chúng tôi đề cập đến vấn đề này vì Bộ Công an khi trả lời cử tri có đề cập đến việc nghiên cứu, sửa đổi Điều 7 của Luật Báo chí theo hướng: “Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

So sánh với Điều 7 hiện hành thì biên độ ở ý kiến này được nới rộng ra rất nhiều, và báo chí sẽ phải cung cấp thông tin liên quan đến tham nhũng cho “thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp”! Nếu điều này thành hiện thực sẽ lại là một cái khó cho báo giới trong việc bảo vệ nguồn tin.

Cần lưu ý một điều rằng, cách đây chưa lâu, trong khi sửa Luật Phòng chống tham nhũng, cơ quan thẩm tra Dự án Luật cũng đã không đồng tình với quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.

Như vậy, muốn bảo vệ được nguồn tin thì điều cần hơn là tiết chế việc “ai cũng có thể bắt nhà báo cung cấp nguồn tin” chứ không phải nới rộng biên độ điều này. Vì bản thân nhà báo và cả nguồn tin sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu nguồn tin đó thiếu chính xác và sai sự thật.

Ý kiến của Bộ Công an hẳn sẽ làm khó báo giới, và như vậy trên mặt trận chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng, vai trò của báo chí sẽ bị lu mờ và không còn… thực lực!

Trần Ngọc Hà

(PLVN)

Không có nhận xét nào: