Pages

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Nhìn từ HN7: Đảng CSVN không muốn đánh tham nhũng



Phạm Trần (Danlambao) - Hội nghị Trung ương 7 của Ban Chấp hành đảng Cộng sản Việt Nam kết thúc sau 10 ngày họp hôm 11/05/2013 đã để lại một Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng suy yếu, một Ban Chấp hành Trung ương không còn chỉ biết “gật đầu trước các quyết định tiền chế chuyên quyền” của Bộ Chính trị và một viễn ảnh Việt Nam tiếp tục bị “quốc nạn tham nhũng” và các nhóm “lợi ích” hoành hành. 

Nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bị lung lay không?

Cuộc phỏng vấn ghi lại dưới đây với Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một Nhà nghiên cứu Chính trị Quốc tế và tình hình chính trị Việt Nam của Đại học George Mason (Virginia) sẽ giúp giải thích tại sao Việt Nam phải đương đầu với nhiều khó khăn trong tương lai nếu lãnh đạo không mau chóng “cải tổ và thay đổi nhân sự”. 

Khán giả của Đài Truyền hình SBTN có thể coi Cuộc phỏng vấn trong Chương trình “Những Vấn Đề Việt Nam” ngày 17/05/2013, lúc 11 giờ tối (giờ miền Đông Hoa Kỳ), hay 8 giờ tối California.

******

Nhân dân rời xa đảng 

H: Thưa Giáo sư, là người thường xuyên theo dõi tình hình chính trị ở Việt Nam, ông nhận xét như thế nào về kết quả của 10 ngày họp Kỳ 7 của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam? 

GSNMH: Thứ nhất, kết quả Trung Ương 7 (TƯ 7) khác với dự tính của Tổng Bí thư Trọng theo sau sự thất bại của ông trong sự lèo lái Trung Ương 6 khiến uy thế của ông Trọng giảm một cách rõ rệt. Trong thực tế, ông không còn được đối xử như là người lãnh đạo cao cấp nhất của ĐCSVN nữa. 

Thứ hai, việc Trung Ương thẳng tay bác bỏ một số đề nghị của Bộ Chính trị (BCT) cho thấy BCT không còn là cơ quan quyết định cao cấp nhất của đảng như trước. 

Thứ ba, “nhóm lợi ích” trong đảng đã thắng “nhóm bảo thủ ý thức hệ” mà đại diện là ông Trọng. Điều này cho thấy niềm tin ý thức hệ suy yếu ngay trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất của ĐCSVN 

Thứ tư, việc ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban Nội chính Trung ương có nhiệm thanh lọc tham nhũng và ông Vương Đình Huệ, trưởng ban Kinh tế Trung ương có nhiệm vụ kiểm soát sự lạm quyền của các tập đoàn kinh tế, không được đưa vào BCT cho thấy đảng không thực sự có ý định đánh tham nhũng. Điều này không lạ. Trước đây, năm 1999, cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (khóa đảng VIII) phát động chiến dịch tận diệt tham nhũng trong hai năm, rồi ông bị loại và nạn tham nhũng ở VN càng ngày càng trầm trọng thêm. 

Thứ năm, TƯ 7 đã làm “lịch sử.” Lần đầu tiên Bộ Chính Trị có một ủy viên được đào tạo ở Mỹ, và có hai phụ nữ cùng được bầu vào cơ quan cao cấp nhất của ĐCSVN. 

Thứ sáu, TƯ 7 nhấn mạnh đến nhu cầu dân vận có nghĩa là họ thấy rõ nhân dân đang rời xa họ, và họ cần chỉnh đốn đảng để được lòng dân. Nhưng kết quả TƯ 7 không có chỉ dấu nào cho thấy việc này có thể làm được.

Ông Trọng đi đâu - ông Thanh về đâu? 

H: Bây giờ đã rõ là 175 Ủy viên Chính thức của Ban Chấp hành Trung ương đã không nghe theo đề nghị của Tổng Bí thư đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đưa hai ông Nguyễn Bá Thánh, Trưởng ban Nội chính và Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương vào bộ Chính trị, thay vào đó họ đã đồng ý với đa số phiếu chấp thuận cho Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội vào Bộ Chính trị. 

Theo ông thì sự thất bại của ông Nguyễn Phú Trọng có ảnh hưởng gì đối với uy tín và tương lai chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng trong tình hình chính trị hiện nay ở Việt Nam? 

GSNMH: Như tôi vừa nói, uy thế của ông Trọng sa sút trầm trọng. Nếu ông ấy không bị thay thế trước nhiệm kỳ thì khả năng chỉ huy và thu hút đồng minh của ông ấy bị giảm đi rất nhiều. Những người từng ủng hộ ông có thể sẽ bỏ ông ấy. 

H: Thưa ông, như ông đã biết, chính cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị và được Bộ Chính trị đồng ý bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, người nổi tiếng “nói và làm” trong việc chống tham nhũng và rất quyết liệt đối phó với các viên chức không làm được việc, giữ chức Trưởng ban Nội chính với mục đích để “bài trừ tham nhũng” và loại bỏ những cán bộ, đảng viên không làm được việc. 

Nhưng giờ đây ông Thanh không được vào Bộ Chính trị thì ông có nghĩ rằng “cuộc đời chính trị của ông Thanh đã chấm dứt và công tác chống Tham nhũng của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” cũng đã thất bại không? 

GSNMH: Dự tính đánh tham nhũng của ông TBT Trọng thất bại là điều hiển nhiên. Nó khiến ông Thanh thất vọng về khả năng của ông Trọng và đồng thời gần như vô hiệu hóa khả năng đánh tham nhũng thực sự của ông Thanh. Ông Thanh bị đặt vào một tình trạng khó xử, hoặc ông phải tìm đồng minh khác và nhẫn nhục chờ thời hoặc ông phải từ chức như ông từng tuyên bố là nếu ông không làm được việc thì ông ấy sẽ từ chức. Nếu từ chức mà không bị cô lập hóa và trù rập thì đó không hẳn là giải pháp dở. 

H: Thưa Giáo sư, chưa bao giờ tôi thấy một Tổng Bí thư đảng mà đã thất bại liên tiếp 2 lần không được các Ủy viên Trung ương đảng “nghe” và “làm theo” như đã xảy ra cho ông Nguyễn Phú Trọng tại hai kỳ Hội nghị Trung ương 6 khi Trung ương đã bác đề nghị của Bộ Chính trị, đứng đầu bởi ông Trọng, kỷ luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và kỷ luật Bộ Chính trị vì những lỗi lầm mà họ đã gây ra cho đất nước và người dân, Và bây giờ, ông Trọng lại thất bại thêm lần nữa tại Hội nghị 7 khi không đưa được 2 ứng viên của mình vào Bộ Chính trị.

Như vậy, ông có nghĩ rằng uy tín của ông Trọng đã giảm sút nghiêm trọng và có thể giỏi lắm ông chỉ có thể tồn tại được 1 nhiệm kỳ? 

GSNMH: Uy thế của ông Trọng sau TU 7 giảm sút trầm trọng. Khác với ông Nông Đức Mạnh không làm gì cả nên không gây thù oán và trụ được suốt hai nhiệm kỳ, ông Trọng làm mạnh và thất bại, do đó khó trụ quá nhiệm kỳ này. Trong trường hợp đặc biệt khó tin mà ông ấy được giữ lại thêm một nhiệm kỳ nữa thì đó cũng không phải là một vinh dự.

Ông Nguyễn Tấn Dũng mạnh hơn?

H: Thật khó mà có thể dự đoán những gì sẽ xảy ra ở Việt Nam trong năm tới, nhưng trước mắt tôi thấy vào ngày 20/5, Quốc hội CSVN sẽ họp thảo luận việc “lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm” đối với 49 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, trong đó có cả Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng.

Theo ông thì liệu tương lai chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng có bị đe dọa không, nhất là sau những gì đã xảy ra tại Hội nghị Trung ương 7 mới chấm dứt ngày 11/5 vừa qua? 

GSNMH: Uy thế của ông Nguyễn Tấn Dũng được củng cố sau TƯ 7. Ông Dũng đã biểu lộ được bản lĩnh chính trị của ông ấy. Khó có thể tin rằng QH VN có khả năng và ý chí bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Dũng. 

H: Sau cùng thì thưa Giáo sứ, mới đây, trong cuộc phỏng vấn của Đài phát thanh BBC (chương trình Tiếng Việt), ông nói: “Đảng Cộng sản Việt Nam cần tranh thủ thời điểm ngay hiện nay để thay đổi mà không nên chờ đợi tới hết nhiệm kỳ Trung ương đảng hiện nay để cải tổ và thay đổi nhân sự vì khi đó đã là quá muộn.”

Tôi muốn hỏi ông: Căn cứ vào đâu mà ông lại nói là đến năm 2016 mà đảng CSVN mới “cải tổ hay thay đổi nhân sự” thì đã quá muộn? 

GSNMH: Năm 2016 là năm triệu tập Đại Hội ĐCSVN kỳ XII. Ngay bây giờ VN cần có những quyết định lớn và dứt khoát để đối phó với những thử thách đối nội và đối ngoại, và nắm bắt thời cơ. 

Muốn thế phải có chỉ huy thống nhất. Nhưng cơ chế làm chính sách của VN hiện nay vì có sự trồng chéo trong giới lãnh đạo tối cao nên không thể làm được chính sách loại kể trên, và dễ bị “thế lực bên ngoài” lũng đoạn. 

Trên thế giới, dù ở chế độ đa đảng hay độc đảng, tổng thống chế hay đại nghị chế, người lãnh đạo đảng hoặc được coi là đại diện đảng (như ứng cử viên TT Mỹ do đảng đưa ra) luôn luôn là người đứng đầu chính phủ và nắm thực quyền. 

Ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng nói đến nhu cầu gộp hai chức vụ TBT đảng và Chủ tịch nước vào một người. Nếu đợi đến 3 năm nữa mới làm được việc này hay mới tìm được một phương thức nào khác để tạo được cơ chế chỉ huy thống nhất thì thời cơ sẽ đi qua và khó khăn sẽ chồng chất thêm.

Xin cảm ơn Giáo sư.

05/2013 


Không có nhận xét nào: