Pages

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Tiền chưa được cho vay của ngân hàng đang chảy vào đâu?


Icon_Bank_cash vnd1
(GDVN) – Hiện nay các ngân hàng xuất hiện tình trạng ế vốn trong khi các DN vừa và nhỏ kêu than không vay được vốn…
Không nên cố cứu DN “sắp chết”
Có một thực tế hiện nay các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhưng hiện tượng ứ vốn tại các ngân hàng vẫn còn cao. Trong khi các ngân hàng đều cố gắng tìm đường ra giải phóng tiền vốn còn “ế” như giảm lãi suất huy động, điển hình như Ngân hàng Agribank đã giảm lãi suất huy động  tiền gửi một tháng xuống còn 5% thì các DN vừa và nhỏ lại kêu khó khăn, không thể vay được vốn.
Trước tình trạng này, ông Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch Ngân hàng Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng lãi suất không phải là khó khăn với một số DN. Đối với các DN làm ăn thua lỗ, lãi suất có 0% thì vẫn cao.

Ông Hưởng cho rằng hạ lãi suất “chỉ nên vừa phải” để vẫn bảo vệ người gửi tiền, thay vì cố cứu DN làm ăn yếu kém. Chính những DN yếu kém làm ăn thua lỗ mới là những người kêu ca nhiều nhất về lãi suất. Tình trạng hiện nay là hệ quả của việc một số DN làm ăn chụp giật. Khi đầu ra không có, cho vay 0% thì họ cũng không vay nổi, càng vay càng chết thêm vì không trả được khoản gốc.
Theo các chuyên gia không nên kéo theo ngân hàng cùng chết với DN yếu kém
TS Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, nếu cần thiết phải để một vài doanh nghiệp vừa và nhỏ “chết” cũng nên bằng lòng thay vì kéo theo ngân hàng cùng chết bởi ngân hàng còn phải giữ quyền lợi của họ cũng như các cổ đông. Nếu doanh nghiệp không thể làm ăn nổi, hàng không bán được, sản xuất kinh doanh đình trệ thì ngân hàng không thể cho vay vốn và không có điều kiện nào bắt ngân hàng phải cho họ vay bởi họ không đủ khả năng trả nợ.
Tiền ế đi đâu?
Theo tính toán của Ủy ban tài chính quốc gia, chỉ tính riêng quý I/2013 để đảm bảo tổng vốn đầu tư đạt mức đề ra, tăng trưởng tín dụng trong quý I/2013 cần phải đạt mức tăng ít nhất 1,5% so với cuối năm 2012 tương đương mức tăng thêm khoảng 50 nghìn tỷ đồng. Nhưng tính đến giữa tháng 4/2013, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng mới chỉ đạt khoảng 1,44% so với đầu năm.
Câu hỏi người ta quan tâm nhất là tiền “ế” không cho vay được từ các ngân hàng chảy đi đâu và ngân hàng tiêu ra sao hay họ chỉ mải miết đi mua vàng mà quên chức năng truyền thống là “bơm” tiền cho các thành phần kinh tế.
Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại do tỷ lệ nợ xấu cao khiến nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh huy động nhưng chủ yếu là để trả nợ những khoản huy động cũ đáo hạn. Mặt khác, khó khăn trong việc tìm đầu ra tín dụng, vốn huy động chủ yếu được tập trung vào đầu tư tài chính phi tín dụng như đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng khi tín dụng bế, lợi suất trái phiếu Chính phủ trở thành kênh đầu tư hấp dẫn đối với các NHTM trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Nếu tính theo giá thị trường vào thời điểm cuối 2012, lợi nhuận của các danh mục trái phiếu mang lại cho các ngân hàng thương mại là đáng kể.
Còn TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, theo luật định NH được mua một phần trái phiếu chính phủ để đảm bảo tính thanh khoản. Nhưng NH không thể có tiền là mua trái phiếu Chính phủ, Chính phủ không cần các NH tài trợ vì chính phủ còn có thuế, có các công cụ tài khóa khác. Nếu NHTM mải mê với lãi suất đầu tư mua trái phiếu Chính phủ thì không đúng chức năng của ngân hàng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay khi nguồn vốn ứ còn nhiều thì việc đó có thể chấp nhận được. NH phải tìm đầu ra an toàn và vẫn có lợi nhuận nhưng về lâu dài NH cần tìm hướng đi khác, không thể mãi mua trái phiếu chính phủ.
Theo báo cáo thống kê tại hội thảo về tài chính ngân hàng mới đây cho biết đến hết quý 1/2013, trên thị trường sơ cấp, Kho bạc nhà nước huy động thành công 13.460 tỷ đồng trái phiếu và cùng đó là 7.290 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ. Còn với kênh đấu thầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tổng lượng huy động lên tới 62.852 tỷ đồng, tăng 11 lần so với cùng kỳ.
Ngoài kênh mua trái phiếu chính phủ, NHTM còn phải lo cất toán vàng đến cuối tháng 6 nếu NH ở trạng thái âm. Chính vì vậy, trong các phiên đấu thầu vàng của NHNN lượng vàng đều do các NHTM mua vào. Nhưng đến thời điểm nào đó, NHTM cũng không thể ôm đồm vàng mãi với mức giá chênh lệch “đậm” như hiện nay.
B.A

Không có nhận xét nào: