Pages

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Tìm lại những giá trị bị đánh mất?

Icon_Symbols_ĐCS_Mao

Từ những năm 1970 của thiên niên kỷ trước, ở miền Bắc đã có câu chuyện tiếu lâm rằng đất nước ta giống như người mù cụt một chân chống nạn đi và đi mãi để rồi thấy mình trở lại điểm xuất phát. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời bấy giờ đó là một cách “phản biện” dù không có mấy tác dụng. Và câu chuyện vẫn lưu truyền đến ngày nay với ngày càng nhiều hơn những minh chứng về cái sự đi vòng tròn như thế .
Đầu tiên có thể nói đến là cuộc cải cách ruộng đất mà sau này được nhận ra là “sai lầm ấu trĩ ” khi chính quyền tước đoạt ruộng đất khỏi các thành phần địa chủ phú nông tức là những người biết làm ăn để trao vào tay các thành phần bần cố nông mà trong đó có nhiều người thực ra do không biết làm ăn hoặc lười biếng trở thành bần cùng. Tiếp đến, toàn bộ ruộng đất và sức lao động (người, trâu bò và công cụ) được đưa vào HTX quanh năm theo đuổi các phong trào thi đua, lúc thì hô hào cấy dầy, lúc lại bảo “cấy thưa thừa thóc, cấy dầy cóc được ăn”… Rốt cuộc năng suất thóc gạo ngày càng giảm sút khiến cả nước rơi vào tình trạng thiếu đói trong nhiều thập liên tiếp buộc phải dừng lại để mò mẩm mong tìm lại những gì đã bị đánh mất trong quá trình cuộc cải cách . Thử hỏi các chủ trang trại giàu có ngày nay có gì khác với những địa chủ ngày xưa mà phải tốn quá nhiều thời gian và mất mát để đánh đổi như vậy?
Cũng đã diễn ra một quá trình tương tự trong lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp. Đó là cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh bắt đầu từ những năm 1960 ở miền Bắc đã nhanh chóng xóa bỏ các thành phần biết sản xuất và buôn bán và trao toàn bộ các cơ sở sản xuất kinh doanh vào tay những người thợ và cán bộ, bộ đội vừa qua các lớp đào tạo cấp tốc. Công cuộc cải tạo này bắt đầu muộn hơn nhưng kịp thời để xóa bỏ những mầm mống của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa ở niềm Bắc và tiếp đến ở cả miền Nam sau giải phóng kéo theo nhiều hậu quả chính trị-xã hội rất nặng nề khác. Liệu có gì khác giữa các các nhà tư sản dân tộc trước đây với đội ngũ doanh nhân ngày nay nếu không phải là sự giàu lên nhanh chóng nhờ tham nhũng công của của lớp doanh nhân sau này?
Thực ra còn rất nhiều những cuộc “đi vòng tròn” của người mù chống gậy như thế đã liên tục diễn ra trên mọi lĩnh vực, mọi thời gian và không gian cho đến ngày hôm nay vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Cái gọi là chiến lược “đi tắt đón đầu” nghe rất kêu đến nay vẫn chỉ là con số 0 to tướng. Ngành chế tạo ô tô được coi là một “mũi nhọn” của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước sau hơn 30 năm chỉ là một thị trường tiêu thụ xe hơi giá cao nhập khẩu từ nước ngoài. Đau nhất là công cuộc cải cách hành chính khi Lãnh đạo càng hô hào tinh giản biên chế thì biên chế càng phình to, càng hô hào đơn giản thủ tục thì thủ tục càng nhiều và càng rắc rối. Người dân sợ và ghét quan hơn cả thời phong kiến thực dân.
Gần đây lại rộ lên cuộc thảo luận về đổi tên nước trong khuôn khổ đợt vận động lấy ý kiến sửa đổi Hiến Pháp. Suy cho cùng đây cũng chỉ là biểu hiện của trạng thái bế tắc và nhu cầu tìm lại những giá trị bị đánh mất ở tầm vĩ mô mà thôi. Có điều là, những thứ bị đánh mất này không phải là những vật cụ thể như thỏi vàng hay viên kim cương… mà là những giá trị trừu tượng chỉ hình thành với sự chín mùi của một quá trình vận động lịch sử. Tên nước VNDCCH là kết quả của cả quá trình cách mạng giải phóng dân tộc sao bổng chốc có thể thay đi đổi lại một cách duy ý chí? Bài học đáng tiếc của việc thay đổi tên CHXHCNVN tưởng đã rõ rồi sao còn muốn lặp lại?. Tuy nhiên, nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cho thấy một hướng tìm kiếm ngược lại, đó là tìm cách cố thủ hơn là tìm lại với những giá trị đã bị đánh mất. Trong khi đại đa số nhân dân muốn tiến tới xóa bỏ Điều IV thì bản Dự thảo lại sửa đổi bổ sung khiến nó trở nên dài dòng và cứng nhắc. Thiết nghĩ, trong bối cảnh tình hình đất nước hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực cấp thiết với nội dung thật cụ thể liên quan đến chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ và việc thực thi pháp luật công bằng nghiêm minh. Đó là cách tiếp cận hợp lý ngỏ hầu rút ngắn con đường đi vòng vo và trở lại với những giá trị đã bị đánh mất./.

Không có nhận xét nào: