Pages

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Tóm lược buổi làm việc với an ninh điều tra TP Hà Nội “Về những nội dung viết trong Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Công an”


Icon_Symbols_Hoi Doan_HRW
Vũ Mạnh Hùng
Đúng 8h30 ngày 16/5/2013, tôi đã có mặt tại phòng làm việc của trụ sở Công an (số 6 Quang Trung, Hà Đông ) theo giấy mời của cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội.
Người làm việc với tôi là Điều tra viên Thượng tá Trần Văn Tú cùng với nữ Thượng úy Trương Diệu Linh (người đón tôi từ cổng trụ sở đến phòng làm việc khi tôi có ĐT báo đã có mặt trước cổng trụ sở, đồng thời cũng là người ghi biên bản làm việc). Buổi làm việc diễn ra trong không khí nhẹ nhàng, cùng nhau tỏ bày quan điểm về nội dung:
+ Xác định tôi là người đã viết Thư ngỏ gửi tới Bộ trưởng Bộ Công an (tôi xác nhận việc này và cả nội dung thư gửi);

+ Về mặt nội dung, Thượng tá Trần Văn Tú trao đổi và thảo luận xoay quanh ba vấn đề tôi viết trong Thư ngỏ: Một là,  An ninh điều tra bắt cóc tôi. Hai là, về vấn đề tạm giữ. Ba là, Thiếu tá Nguyễn Trung Nam đã có những lời đe dọa trong khi nói chuyện hoặc hỏi chuyện đối với tôi.
Trong quá trình trao đổi, thảo luận về những vấn đề trên, Thượng tá Tú tỏ ý chưa đồng thuận với việc tôi viết trong thư rằng tôi bị bắt cóc, tạm giữ một cách vô pháp luật. Nhưng tôi vẫn lập luận và khẳng định ngôn ngữ tôi dùng để phản ánh sự việc xảy ra là chính xác. Còn phần nội dung thư ngỏ tôi tố cáo Thiếu tá Nguyễn Trung Nam trong khi nói chuyện, hỏi chuyện có những lời đe dọa đối với cá nhân tôi, gia đình tôi, dòng họ tôi thì Thượng tá Tú nói “chưa xác định”. (Tôi xin phép quý độc giả không trình bày lập luận của Thượng tá Tú về quan điểm của anh cũng như lập luận của tôi khi chưa có văn bản chính thức trả lời thư ngỏ tôi gửi Bộ trưởng Bộ Công an).
Sau khi đọc lại biên bản trao đổi thảo luận lần thứ nhất, tôi yêu cầu Thượng úy Linh chỉnh sửa lại những ý kiến trao đổi của tôi cho chính xác, đồng thời sao thành hai bản, mỗi bên giữ một bản thì tôi mới ký. Biên bản chưa kịp chỉnh sửa thì Thượng tá Tú nói: “Không được, đây là nguyên tắc thuộc bí mật của ngành, nếu anh không ký biên bản này, lập một biên bản khác nói rõ anh không ký vì lý do đó,  biên bản đó thì anh được giữ một bản”, tôi nhất trí.  Sau đó có lẽ Thượng tá Tú tham khảo ý kiến của ai đó khi ra ngoài, anh quay trở lại thống nhất với tôi viết nội dung biên bản về quan điểm của hai bên như đã trình bày trên và tôi đề nghị ghi rõ nguyện vọng của tôi: Thư ngỏ tôi viết bằng văn bản thì tôi muốn Bộ trưởng hoặc Bộ trưởng ủy quyền cho ai đó trả lời tôi bằng văn bản. Biên bản lần thứ ba viết xong Thượng úy Linh đưa ra ngoài photo và tìm gặp Thượng tá Tú để ký. Sau đó cả hai quay lại, Thượng tá Tú nói với tôi “Buổi trao đổi thảo luận hôm nay, thôi không cần biên bản nữa”, tôi cũng đồng ý vì có phần thông cảm cho thực quyền của họ trong khi làm việc. Và yêu cầu biên bản được xé bỏ tại chỗ.
Buổi làm việc kết thúc vào khoảng 11h30. Tuy kết quả chưa được như mong muốn của hai bên, nhưng tôi cũng nhẹ lòng khi Thượng tá Trần Văn Tú và Thượng úy Trương Diệu Linh biết cư xử đúng mực.  Tôi nói : dù buổi làm việc không ghi biên bản, nhưng anh nhớ giúp tôi trình bày lại với cấp trên “Thư tôi viết bằng văn bản thì nguyện vọng của tôi được trả lời bằng văn bản”. Và “Tôi sẽ không làm việc về nội dung hôm nay nữa, nếu các anh mời tôi khi chưa có văn bản trả lời”.
Hà Nội, ngày 16/5/2013
V.M.H.
Phụ lục:

Thư ngỏ của ông Vũ Mạnh Hùng gửi Bộ trưởng Bộ Công an

Kính gửi : Giáo sư, Tiến sĩ Luật – Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang. Tôi là: Vũ Mạnh Hùng – Nguyên giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường Cao đẳng Kinh tế -  Kỹ thuật Thương mại, hiện là cán bộ quản lý khu nội trú của trường. Nơi ở hiện nay P205 C2 Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Hà Nội. ĐT : 0902219982.
Tôi xin trình bày với ông GS,TS luật – Bộ trưởng Bộ Công an như sau:
Vào khoảng hơn 9h sáng ngày 11/4/2013, trên đường đi làm đến ngã ba Ba La Bông Đỏ Hà Đông, tôi bị Công an giao thông ra chặn đường, yêu cầu tôi dừng xe và dắt xe sâu vào trạm kiểm soát giao thông để kiểm tra giấy tờ. Tôi hỏi anh công an giao thông này, xe tôi đang lưu hành trên đường không vi phạm gì tại sao anh yêu cầu tôi dừng xe để kiểm tra? Anh này hỏi tôi là ai? tôi trả lời tôi là Vũ Mạnh Hùng, tôi công tác ở Trường  Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Thương mại.
Ngay lúc đó có 4 người mặc thường phục tiến sát tôi nói:  “Anh có liên quan đến tình hình an ninh Quốc gia, chúng tôi là  An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội, yêu cầu anh lên xe ô tô !”. Đồng thời hai người tiến sát vào tôi, mỗi người một bên xốc nách tôi như một tội phạm đưa tôi lên xe ô tô đỗ sẵn bên lề đường. Khi lên xe, người ngồi bên phải bẻ tay phải tôi để lấy chìa khóa xe máy, người bên trái tôi sờ nắn và thọc tay vào túi quần tôi lấy điện thoại. Họ nói nếu anh cưỡng lại, chúng tôi sẽ dùng biện pháp nghiệp vụ.  Tôi đành phải để họ lấy điện thoại và chìa khóa xe máy. Tôi hỏi mấy người này, không rõ các anh là ai, hay các anh là xã hội đen mà bắt cóc tôi giữa đường cưỡng bức thu giữ tài sản của tôi trong khi không có bất cứ một thứ giấy tờ gì theo quy định của pháp luật. Họ nói  “Anh yên tâm, bọn em là Công an mới dám làm thế chứ ai dám làm thế, bọn em chỉ mời anh về trụ sở của cơ quan An ninh điều tra thành phố nói chuyện thôi”. Đến trụ sở tôi bị tạm giữ trong khoảng thời gian từ 9h40 ngày 11/4/2013 đến 19h10 ngày 13/4/2013 để nói chuyện, hay đúng ra là hỏi chuyện mang tính thẩm vấn. Tóm lại : bản thân tôi không vi phạm bất cứ vào một điều khoản nào của bộ luật hình sự, việc An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội bắt cóc tôi, tước đoạt điện thoại của tôi khi bị bắt và thu giữ điện thoại của tôi trong thời gian tạm giữ để nói chuyện làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, tinh thần đối với tôi cũng như gia đình, bạn bè thân hữu.
Trong thời gian tạm giữ để nói chuyện, hỏi chuyện, anh em An ninh hầu hết trong tranh luận đã nhận ra cái sai, sự phi lý, bất chấp luật pháp của ai đó đã chỉ đạo việc bắt giữ tôi. Sự đồng cảm của anh em, sự thông cảm của tôi đối với họ, qua đó đã ít nhiều nảy nở, bởi chính họ cũng bị tước đi những quyền con người như tôi. Họ bị áp lực từ cấp trên để thực hiện một việc làm trái pháp luật nếu họ đấu tranh với cái sai, họ bị trù dập, họ lấy gì để bảo vệ mình. Họ cũng có một mong muốn như tôi làm sao để tiến tới xây dựng một xã hội mà trong đó quyền con người được tôn trọng. Tôi luôn ghi nhận sự chia sẻ và tình cảm đó.
Song với trách nhiệm công dân, tôi không thể không phản ánh với ông Bộ trưởng về cách thức và tính chất của sự việc cùng với những lời đe dọa đối với cá nhân tôi, gia đình tôi, dòng họ tôi của Thiếu tá Nguyễn Trung Nam thuộc Phòng An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội.
Thưa ông GS,TS luật – Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, việc làm của cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội như vậy có phải vi phạm nhân quyền không ? Có trái với những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự không ? Có ảnh hưởng đến danh dự và nhân phẩm của tôi không ? Và có phải Công an được làm những chuyện vô pháp luật như vậy dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng không ? Một xã hội mà Công an được làm những chuyện vô pháp luật như vậy, luật pháp Nhà nước có để làm gì? Xã hội sẽ đi về đâu?… Một Nhà nước mà công cụ của mình hành xử với người dân như vậy, nếu những người lãnh đạo có trách nhiệm im lặng có xứng đáng ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hiệp quốc không?
Tôi viết thư ngỏ này gửi tới Bộ trưởng, người lãnh đạo cao nhất của cơ quan an ninh Nhà nước. Mong rằng, với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng xem xét sự việc xảy ra đối với tôi, cư xử sao cho xứng với cái tâm và tầm của Bộ trưởng trước dư luận nhân dân trong nước và quốc tế.
Kính thư
Vũ Mạnh Hùng

Không có nhận xét nào: