Pages

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Trung Quốc thực sự muốn đàm phán về COC ?

Ngoại trưởng Trung QuốcVương Nghị

Đầu tháng Năm, trong chuyến công du một số nước Đông Nam Á, tân Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố là Bắc Kinh đồng ý khởi động các cuộc đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc về mặt pháp lý và thành lập một Nhóm Nhân sĩ (EPG) để bổ sung cho các cuộc đàm phán ở cấp chính phủ. Nhân dịp này, trong một tài liệu, dưới dạng hỏi-đáp gửi các cơ quan truyền thông, giáo sư Carlyle A. Thayer, chuyên gia Đông Nam Á, cho biết một số nhận định của ông về vấn đề này.

Giáo sư có thấy những lý do gì để lạc quan về việc Trung Quốc sẽ sớm tiến hành đàm phán nghiêm túc với ASEAN về COC? Liệu Trung Quốc sẽ thay đổi lập trường ?

Chính Trung Quốc đã cam kết thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông khi họ chấp thuận Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, năm 2002 và Bản hướng dẫn thực thi DOC vào giữa năm 2011. Trung Quốc nêu vấn đề thảo luận về COC với các quan chức ASEAN tại Hội nghị Tham vấn các quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc lần thứ 19. Kết quả chuyến công du Đông Nam Á của Ngoại trưởng Vương Nghị là đạt được thỏa thuận tổ chức một cuộc gặp ở cấp Tổng Vụ trưởng của Nhóm Công tác về DOC để thảo luận về COC, vào tháng Tám.

Trung Quốc chắc chắn sẽ gặp các đối tác ASEAN để thảo luận về COC, nhưng điều này không có nghĩa là sẽ sớm đạt được một thỏa thuận. Tuy vậy, việc đồng ý thảo luận về COC giữa Trung Quốc và ASEAN đánh dấu một bước phát triển quan trọng. Trong quá khứ, Trung Quốc không chấp nhận các cuộc thảo luận đa phương.

Ngoại trưởng Vương Nghị cũng nhắc lại đề nghị thành lập Nhóm Nhân sĩ (EPG). Đề nghị ban đầu của Trung Quốc là các bên có số đại diện ngang nhau. ASEAN có 10 người và Trung Quốc 10 người. Cần phải xem thành phần của Nhóm Nhân sĩ mới sẽ ra sao và mối quan hệ của nhóm này với các cuộc thảo luận chính thức. Nhóm Nhân sĩ có thể bị sa lầy vào các vấn đề kỹ thuật và làm chệch tiến trình đàm phán về COC.

Indonesia, nền kinh tế lớn hàng thứ hai ở Đông Nam Á, là nước thứ hai làm ông Vương tới thăm, sau Thái Lan, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông, kể từ khi ông được chỉ định làm Ngoại trưởng, hồi tháng Ba. Chặng tiếp theo trong chuyến công du này là Singapore và Brunei Darussalam. Vậy mục đích chuyến đi này là gì? Một số người bi quan nói rằng đó là một phần trong chiến lược “Chia để trị” của Trung Quốc. Giáo sư đánh giá như thế nào về quan điểm này ?

Điều đáng chú ý là Ngoại trưởng Vương đã gạt Việt Nam và Philippines ra khỏi chuyến công du của ông. Rõ ràng là Ngoại trưởng Vương cố tìm kiếm phát hiện những bất đồng bên trong ASEAN và khéo léo gây áp lực để cô lập Philippines, nếu không muốn nói là cả Việt Nam. Chuyến công du Thái Lan của Ngoại trưởng Vương nhằm bảo đảm là Thái Lan, nước điều phối quan hệ với Trung Quốc, tiếp tục chú ý tới những ưu tiên của Trung Quốc. Chính phủ của bà Yingluck luôn tìm cách có được những ưu đãi của Bắc Kinh, qua việc đóng vai trò “trung lập” trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN.

Có thể thấy được cách tiếp cận vấn đề của Trung Quốc qua bài bình luận không chính thức của ông Nguyễn Tông Trạch (Ruan Zongze - 阮宗泽), phó giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Trung Quốc, đăng trên Trung Hoa Nhật báo (ngày 04/05). Ông Nguyễn viết : « Indonesia và Brunei … khác với Philippines và Việt Nam, bởi vì họ muốn giải quyết các tranh chấp qua đàm phán. Thái Lan và Singapore … không muốn để các tranh chấp ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị và hợp tác chung giữa Trung Quốc và ASEAN ».

Sau đó, ông Nguyễn đưa ra điểm nút, « Trung Quốc không sợ đàm phán về ‘bộ Quy tắc ứng xử’, nhưng trước tiên, cần phải xác định nước nào (hoặc những quốc gia nào) đã vi phạm tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Nếu không, sẽ không có một ‘Bộ Quy tắc ứng xử’ khả tín ».

Tóm lại, khi các quan chức ASEAN gặp các đồng nghiệp Trung Quốc, họ có thể thấy là Trung Quốc sẽ đề cập đến mối liên hệ giữa những tiến bộ của việc xây dựng COC và việc « một số nước » cần phải thay đổi cách ứng xử, những nước mà Trung Quốc cáo buộc đang khuấy đục Biển Đông và lôi kéo các thế lực bên ngoài vào khu vực (ý nói Hoa Kỳ).

Một số người cho rằng những biện pháp được thông báo cho thấy chiến lược ve vãn Indonesia của Trung Quốc. Họ coi Indonesia như một nước đóng vai trò trung gian hòa bình có hiệu quả trong vùng vì Jakarta không phải là một bên tranh chấp. Phải chăng điều quan trọng đối với Trung Quốc là duy trì hình ảnh « một con voi thân thiện » vì các mối lợi chính trị và kinh tế ?

Chắc chắn Trung Quốc làm cho Indonesia biết là Bắc Kinh có một sự chú ý đặc biệt tới nước này bởi vì Jakarta đã đưa ra sáng kiến thúc đẩy tiến trình xây dựng COC bên trong ASEAN. Cần nhắc lại, Ngoại trưởng Marty Natalegawa là người đầu tiên thông báo rằng Trung Quốc và ASEAN đã đồng ý tổ chức một cuộc gặp để thảo luận về COC. Vào thời điểm đó, không có một chi tiết nào được thông báo. Sau đó, Ngoại trưởng Marty có thái độ phê phán đối với cách hành xử của Trung Quốc. Chuyến đi thăm của Ngoại trưởng Vương nhằm làm dịu Indonesia. Ông Vương đã thành công, bởi vì giờ đây, Indonesia đã chấp nhận đề nghị của ông về việc thành lập Nhóm Nhân sĩ hoạt động song song với các cuộc thảo luận chính thức. Trung Quốc nhắm tới việc khai thác mối quan tâm của Indonesia là xây dựng đồng thuận, với hy vọng gây áp lực để Philippines giảm bớt những tuyên bố hùng hồn và từ bỏ kiện tụng tại toà án Liên Hiệp Quốc.

Ngoại trưởng Ông Vương đã nhắc lại rằng « Trung Quốc là một lực lượng kiên quyết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông ». Vậy trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã làm gì phù hợp với tuyên bố này ?

Cần đánh giá Trung Quốc không chỉ qua lời nói, mà cả qua các hành động. Đây là bước đi đầu tiên tích cực khi Trung Quốc gặp các quan chức ASEAN và nhóm này sẽ khởi động các cuộc thảo luận về COC. Tuy nhiên, bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc lại ra sức tuyên bố rằng Philippines đã chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ của Trung Quốc và làm xáo trộn quan hệ Trung Quốc-ASEAN.

Trên thực tế, Trung Quốc tự đặt mình đứng trên luật pháp quốc tế. Bắc Kinh từ chối làm rõ nội dung bản đồ 9 đường cắt đoạn. Trung Quốc khẳng định có « chủ quyền không thể tranh cãi » đối với Biển Đông, nhưng lại không để cho bên thứ ba độc lập đánh giá cơ sở đòi hỏi chủ quyền của mình. Trung Quốc đã thực sự chiếm đóng bãi đá Scarborough qua việc duy trì ba tàu hải giám ở đó và căng dây cáp ngăn chặn lối vào bãi đá này. Trung Quốc vừa mới thông báo hạn chế ngư dân Philippines đánh cá trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Philippines. Cuối cùng, Trung Quốc đã tăng cường tuần tra quân sự và bán quân sự và tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông. Tóm lại, Trung Quốc « nói đến đối thoại » nhưng lại sử dụng ngoại giao pháo hạm gây sức ép với các nước Đông Nam Á.

Giáo sư có nhận định thêm gì không ?

Từ nay đến tháng Tám, các quan chức cao cấp ASEAN phải kết thúc các cuộc thảo luận và đạt được đồng thuận bên trong ASEAN về COC. Vấn đề không chỉ là đạt được sự nhất trí về tài liệu này, mà còn phải đạt được đồng thuận hình thành một mặt trân thống nhất đối mặt với Trung Quốc. Nhóm Nhân sĩ chỉ có thể được thành lập một khi Trung Quốc có phản ứng đối với dự án COC của ASEAN và đạt được các tiến bộ đáng kể. Chỉ nên tham khảo các gợi ý của Nhóm Nhân sĩ khi nẩy sinh những điểm bất đồng.

(RFI)

Không có nhận xét nào: