Pages

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Vì sao Đảng giận dữ?


(Đài ABC- Australia phỏng vấn TS. Jonathan London về Swar đổi Hiến pháp VN)

jonathan-londonPhóng viên đài phát thanh ABC Richard Aedy: Chính phủ Việt Nam muốn sửa đổi hiến pháp. Hiến pháp nước này được viết vào năm 1946 và đã được sửa đổi 4 lần kể từ đó, và lần tu chỉnh gần đây nhất là vào năm 1992. Từ tháng Giêng đến cuối tháng này, chính phủ đã đề nghị dân chúng cả nước đóng góp ý kiến ​​về sửa đổi dự thảo hiến pháp, nhưng đảng Cộng sản (VN) đã không được hài lòng với những ý kiến ​​được các tầng lớp dân chúng kiến nghị. Tổng bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã phê phán các ý kiến sửa đổi dự thảo hiến pháp là “thể hiện sự suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức ở Việt Nam “. Như vậy, những điều gì đang xảy ra?

Tôi cùng tham gia phân tách sự kiện này với Tiến sĩ Jonathan London, phụ tá giáo sư của Phân khoa Nghiên cứu Châu Á và Quốc tế, Đại học Thành phố Hồng Kông.

Jonathan, xin chào anh tham gia chương trình.

Tiến sĩ Jonathan London: Cảm ơn anh rất nhiều đã cho phép tôi tham gia chương trình. Chúng ta hãy bắt đầu. Tại sao? Tại sao chính phủ muốn thay đổi hiến pháp?

Vâng, tôi nghĩ rằng nhiều chính quyền độc tài, trong đó có Việt Nam, tin vào việc thỉnh thoảng thay đổi hiến pháp, không phải chỉ để bảo đảm Hiến pháp phù hợp với đòi hỏi của chính quyền mà còn là cách để cố gắng hợp pháp hóa thêm sự cai trị độc quyền của họ dưới con mắt của dân chúng.

Cụ thể đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam muốn thay đổi những gì?

Một số điều khoản được đem ra thảo luận có liên quan đến quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế thị trường, và như bạn đã biết, về cơ bản Việt Nam đã đi theo nền kinh tế thị trường hơn hai mươi năm qua kể từ lần sửa đổi Hiến pháp sau cùng (1992). Một số khía cạnh của hiến pháp cũ do đó cần phải điều chỉnh hay sửa đổi cho phù hợp hơn.

Theo như tôi hiểu được, có một sửa đổi trong hiến pháp mà từ đó sẽ tăng cường tối đa sự kiểm soát gắt gao của đảng cộng sản đối với nhà nước?

Vâng, trong những lần sửa đổi hiến pháp trước đây, việc đảng cộng sản giành toàn bộ quyền lực chính trị được nêu rõ trong Điều 4. Quyền lực tuyệt đối này cũng được ghi trong lời mở đầu của bản hiến pháp rằng đảng cộng sản là lực lượng duy nhất và không thể thiếu trong đời sống chính trị và xã hội của Việt Nam do đó phần cơ bản của hiến pháp đã được dùng để khẳng định uy quyền tối thượng của đảng.

Và quân đội  phải chấp hành và bảo vệ đảng thay vì bảo vệ đất nước,có phải như vậy không?

Đúng như vậy. Trong hầu hết các quốc gia độc đảng, hiến pháp của họ chủ ý nói rõ ràng rằng quân đội và chính quyền là thuộc cấp của đảng. Trường hợp của hiến pháp Việt Nam cũng y như vậy.

Anh vừa mới đề cập rằng sửa đổi hiến pháp là để phù hợp với tình hình kinh tế đã chuyển hướng thành nền kinh tế thị trường kể từ lần sửa đổi hiến pháp lần cuối. Như vậy những cải cách theo hướng kinh tế thị trường đã có dẫn đến  một xã hội công bằng hơn không?

Việt Nam đã trải qua hơn hai thập niên tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và hầu hết người dân đã cùng nhau được hưởng lợi rất đáng kể về vật chất. Điều không tốt xảy ra trên con đường phát triển kinh tế là nó tạo ra sự bất bình đẳng, và một số dấu hiệu cho thấy sự bất bình đẳng về thu nhập và tài sản cá nhân đã gia tăng đáng kể và tệ hại hơn trong vài năm qua. Những gì xảy ra gần đây làm chậm mức độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là do từ  hậu quả của sự trì trệ của nền kinh tế thế giới và luôn cả tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô của hệ thống kinh tế Việt Nam có liên quan đến việc quản lý kinh tế trong đó có nhiều sai phạm. Và những bất ổn kinh tế vĩ mô đó gây ra tình trạng mất tin tưởng trong nhân dân, và tăng sự  bực tức của dân chúng ngoài xã hội. Bao trùm trên những vấn đề không tốt này, dân chúng càng ngày càng cảm thấy rằng tham nhũng đã thực sự tràn lan tất cả trong toàn bộ chính phủ làm cho nhà nước không chỉ không hiệu quả trong việc quản lý nền kinh tế mà còn vô trách nhiệm và thiếu tầm nhìn thấu đáo cho tương lai của Việt Nam.

Được rồi, Jonathan, tôi đã tự kìm giữ phát biểu của mình cho đến thời điểm này. Nhưng dầu cho có như vậy , theo anh những đề nghị và nhận xét nào về những thay đổi dự thảo hiến pháp đã làm cho lãnh đạo của đảng bực bội?

Vâng, đầu tiên tôi có thể nói rằng theo họ  dự định, việc phát động chương trình tham vấn cộng đồng nhân dân chỉ là một sự kiện mang tính cách nghi thức, và họ nghĩ rằng sẽ chỉ có một vài phát biểu không thuận lợi nhưng thực tế cho thấy có vẻ đây là những phản ứng rộng rãi từ cộng đồng khắp nơi mà  đảng cộng sản và nhà nước đã không lường trước được. Điều đã xảy ra là sự  xuất hiện đồng loạt và  sự ủng hộ mạnh mẽ cho những yêu cầu cải cách toàn bộ hiến pháp và cải cách chế độ chính trị. Sự viêc  bắt đầu với một bản kiến ​​nghị có chữ ký của một nhóm 72 nhân sĩ trí thức và những nhân vật quan trọng trong cộng đồng. Hầu hết trong số những người ký tên đầu tiên có liên quan mật thiết với đảng và nhà nước. Những đề nghị của họ bao gồm việc bãi bỏ Điều 4 trong đó công nhận đảng cộng sản là lực lượng chính trị tối cao và không thể tranh cãi, loại bỏ điều khoản khẳng định quân đội phải trực thuộc sự lãnh đạo của đảng cũng như loại bỏ các lời mở đầu của hiến pháp ghi nhận quyền lãnh đạo tất yếu của đảng (cộng sản), thực hiện các cải cách hiến pháp để bảo đảm các quy định của pháp luật mà Việt Nam hiện nay không có. Thực sự mà nói, đây chỉ  là  một đề nghị cổ  điển theo đó  Việt Nam cần một hiến pháp dân chủ đa đảng nhưng chính điều đó  đã đưa đến sự giận dữ của đảng.

Như vậy từ việc đảng (Cộng sản Việt Nam) đưa ra bản dự thảo hiến pháp của họ trong đó chủ yếu tập trung vào việc phản ảnh nền kinh tế thị trường rồi sau đó một nhóm, đúng ra phải nói là một nhóm nhỏ các nhà trí thức, công bố một bài tham gia ý kiến trong đó họ muốn được nói đến những vấn đề quan trọng hơn nhiều. Như vây đã có cái gì đó khác lạ xẩy ra, có phải không? Ngay cả viêc khoảng hơn bảy mươi trí thức đứng ra ký tên bản kiến nghị đã trở thành một phong trào quần chúng. Làm thế nào mà điều đó đã xảy ra đựơc?

Vâng, có một vài sự kiện.

Thứ nhất, kiến nghị sửa đổi hiến pháp đầu tiên được 72 nhà trí thức biên soạn và ký tên bắt đầu được sự hỗ trợ sau khi được lưu hành rộng rãi trên Internet và số lượng người ký vào bản kiến ​​nghị tăng lên nhanh chóng.

Tuy nhiên, một trong những điều gây ra nhiều tiếng vang xuất phát từ hậu quả của bài phát biểu mà Tổng bí thư đảng Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố trong buổi nói chuyện trước một số cán bộ chính trị cấp tỉnh, trong đó ông phàn nàn rằng có những luồng ý kiến suy thoái tư tưởng chính trị và hành vi phi đạo đức của một số người có liên quan đến yêu cầu sửa đổi hiến pháp. Một nhà báo trẻ, anh Nguyễn Đắc Kiên, ký giả cho một tờ báo tin tức tương đối ít tiếng tăm gọi là “Gia đình và Xã hội” đã viết bài tranh luận đăng trên trang mạng của mình trả lời những nhận xét của Tổng bí thư và được các đài truyền hình nhà nước phổ biến. Anh ta đã  tấn công thẳng thừng, trong đó anh ta nói rằng ông Tổng bí thư của đảng  hoàn toàn sai lầm trong cảm nghĩ của ông ta. Tuy nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị mất việc làm ngay ngày hôm sau – điều đó không có gì là bất ngờ- anh cũng đã khẳng định rằng Việt Nam cần phải từ bỏ các hạn chế tự do tối thiểu, cho phục hồi quyền tranh luận chính trị và cần soạn thảo bản hiến pháp mới dựa trên nền dân chủ đa đảng. Sau việc làm của anh, các hoạt động phê phán góp ý đã bùng nổ nhanh chóng, và đã có hơn mười nghìn chữ ký ủng hộ bản kiến nghị đầu tiên (Kiến nghị 72) tại thời điểm này.

Hành động gần đây nhất của đảng và nhà nước là cố gắng triệt hạ uy tín của những người tham gia soạn thảo và ký tên tham gia kiến nghị như họ vẫn thường làm, và gọi những người kêu gọi cải cách sâu rộng bản hiến pháp là đại diện (trích) “thế lực thù địch” (hết trích). Dù họ đã cố gắng bưng bít chặt tất cả những ý kiến đóng góp của nhân dân, nhưng dầu sao trong lúc này đã có một số tiến triển thực sự đáng chú ý và gây ấn tượng trong sinh hoạt chính trị của Việt Nam qua lần sửa đổi hiến pháp này.

Vậy thì những gì … đặc biệt đã xảy ra sau lúc đó?

Vâng, đến lúc này thì chưa có ai bị bắt giữ nhưng điều đó vẫn có thể sẽ xảy ra. Thực sự ra, như anh đã biết rồi, điều quan trọng nhất là vô hình chung chưa bao giờ chúng ta nhìn thấy những điều rất khích lệ như thế này xảy ra  ở Việt Nam, nhưng chúng ta cũng sẽ thật ngu ngốc nếu mình tiên đoán rằng nó sẽ đưa đến những sửa đổi hiến pháp quan trọng. Những sinh hoạt này chỉ nên coi là một giao điểm tốt trong sự phát triển văn hóa chính trị mới tại Việt Nam, bởi vì chưa bao giờ trong lịch sử đương đại của Việt Nam các quan điểm chính trị khác nhau lại được thảo luận một cách nghiêm túc và cởi mở như hiện nay. Tôi nghĩ rằng, bất kể những gì sẽ xảy ra trong những tháng tới, đã có sự thay đổi đáng kể tại Việt Nam trong đó đề tài chính trị được dân chúng cả nước đột ngột quan tâm. Bạn phải biết đây là một nước có tiềm năng đi lên rất to lớn và người dân đã có rất nhiều nỗi thất vọng đối với  tình trạng quản lý yếu kém, thiếu tinh thần trách nhiệm và không đủ năng lực của chính quyền từ trung ương đến địa phương, làm ảnh hưởng tai hại đến tương lai của đất nước. Đó là vấn đề thực tế tại Việt Nam và mọi người cảm nhận viêc có được cơ hội tìm ra khoảng trống trong không gian chính trị của họ.

Nguyễn Hùng, Trần Hoài Nam ghi lại và phỏng dịch

Dẫn theo ABS, đầu đề của Quê Choa

Không có nhận xét nào: