Pages

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Cơ sở để Iran hủy diệt chiến hạm Mỹ trong 50 giây

(Vũ khí) - Theo Press TV ngày 25/2, sau 8 năm nghiên cứu và thử nghiệm, Iran đã bắt đầu đưa vào trang bị loại tên lửa 'sát thủ' tàu sân bay thế hệ mới. 

Iran tuyên bố hủy diệt chiến hạm Mỹ


Thông tin này được Press TV dẫn lời Phó chỉ huy Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran tướng Hossein Salami cho biết khi lực lượng Hải quân Vệ binh Cách mạng Iran tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn tại eo biển Hormuz, nơi 1/4 tàu bè thế giới đi qua.


Iran đã bắt đầu thử nghiệm việc sử dụng các tên lửa đạn đạo có thể tiêu diệt mục tiêu di động trên biển và đất nước của ông là quốc gia duy nhất sở hữu những công nghệ rất phức tạp, Tướng Hossein Salami cho biết thêm.


"Người Mỹ và toàn thế giới nên biết rằng Hải quân Mỹ là một trong những mục tiêu của chúng tôi và chúng tôi chỉ cần 50 giây để tiêu diệt tất cả các tàu chiến của Mỹ", Tờ Jerusalem Post dẫn lời tướng Jafari cho biết.


Ông nói rằng trong quá trình thử nghiệm, lần thành công nhất là tên lửa đã hạ cánh cách mục tiêu mong muốn khoảng 10 mét và giành được lời khen ngợi của lãnh tụ tối cao Ayatollah Ruhollah Khomeini.



Mô hình tàu sân bay Mỹ bị phá hủy trong cuộc tập trận của Iran.

Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ hiện có hai chiếc tàu sân bay được triển khai tại vịnh Ba Tư là USS George Washington và USS Independence. Trong cuộc tập trận mang tên Tiên Tri 9 tại eo biển Hormuz, tên lửa mới của Iran đã đánh trúng mục tiêu giả định là tàu sân bay của Mỹ. 


Theo những hình ảnh được Press TV công bố về cuộc tập trận cho thấy, có hàng chục chiếc tàu tiến tới một chiếc tàu sân bay của Mỹ được chế tạo theo tỉ lệ tương xứng với nhau, trước khi bắn phá nó bằng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo diệt hạm.


Tehran đã nhiều lần nói rằng học thuyết quốc phòng của họ không gây ra mối đe dọa đối với các nước khác. Họ xem eo biển Hormuz và Vịnh Ba Tư là sân sau của mình. Vịnh Ba Tư và eo Hormuz có tầm quan trọng chiến lược về kinh tế. Bất cứ một sự thay đổi nào ở đây cũng khiến giá dầu tăng cao và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới.


Tháng 12/2014, Iran cũng đã tiến hành tập trận kéo dài 6 ngày tại eo Hormuz, với sự tham gia của tàu chiến, tàu ngầm, máy bay không người lái tự huỷ, có khả năng đánh phá mục tiêu trên mặt đất và trên không. 


Cơ sở để tự tin trước Mỹ


Cơ sở giúp Iran tự tin khi đối đầu với Mỹ là loại tên lửa chống hạm thế hệ mới đã được tướng Hossein Salami nhắc đến trong cuộc tập trận Tiên Tri 9 vừa qua. 


Dù không nhắc đến loại tên lửa cụ thể nào những căn cứ vào những thông tin từng được truyền thông nước này công bố trước đây cho thấy, đây chính là tên lửa chống hạm Khalij Fars – loại tên lửa đang thực sự khiến Mỹ lo ngại.


Tạp chí quân sự Jane's dẫn báo cáo của Bộ quốc phòng Mỹ cho hay, tên lửa đạn đạo chống hạm (AShBM) Khalij Fars của Iran sẽ là mẫu vũ khí làm thay đổi cán cân quân sự khu vực vùng Vịnh trong tương lai.

Tên lửa Khalij Fars.
Theo bản báo cáo, Tehran đang âm thầm phát triển các hệ thống vũ khí phục vụ trong tác chiến đối xứng và bất đối xứng, và mức độ nguy hiểm của các loại vũ khí này ngày càng cao. 

Theo đó, Iran đã đạt những tiến bộ vượt bậc trong ngành công nghiệp quốc phòng, khi cho ra mắt hàng loạt mẫu vũ khí như: thủy lôi, tàu ngầm mini, tổ hợp tên lửa hành trình bảo vệ bờ biển, tổ hợp tên lửa phòng không và các mẫu tên lửa đạn đạo chống hạm.


Khalij Fars là biến thể nâng cấp của mẫu tên lửa đạn đạo chiến thuật Fateh-110, được trang bị hệ thống dẫn đường quang-điện tử và hệ thống dẫn đường bằng hồng ngoại ở pha cuối. 


Các phương tiện truyền thông nhà nước Iran cho biết rằng, mẫu tên lửa Khalij Fars có chiều dài 8,86m, đường kính thân 0,61m, lắp đầu đạn thuốc nổ nặng 650kg, tầm bắn tối đa 300km, tốc độ hành trình Mach 3. Tên lửa bay theo hình parabol nên “miễn dịch” hệ thống phòng không đối phương và có độ chính xác gần như tuyệt đối. 


Phó Đô đốc James Syring - Giám đốc cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 6/2014 cho rằng, tên lửa Khalij Fars có tầm bắn 300 km đồng nghĩa với việc nó có khả năng đe dọa đến các hoạt động hàng hải trong vùng Vịnh và eo biển Hormuz. 


Mẫu tên lửa chống hạm này xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 2/2011, khi Iran công bố một đoạn clip quay lại cảnh Khalij Fars tấn công một mục tiêu giả định trên biển. Lần thử nghiệm thứ hai của được thực hiện vào tháng 7/2012, tuy nhiên lần này Khalij Fars lại tấn công một mục tiêu đang di chuyển và được trang bị hệ thống dẫn đường quang điện tử.


Dù tướng Hossein Salami cho biết loại tên lửa này vẫn đang được hoàn thiện nhưng theo một số nguồn tin quân sự, hồi tháng 3/2014, Bộ quốc phòng Iran đã chính thức đưa mẫu tên lửa đạn đạo chống hạm Khalij Fars vào trang bị. 


Trong buổi lễ tiếp nhận đã có 8 quả tên lửa Khalij Fars được chuyển giao cho Quân đội Iran, tất cả các tên lửa đều được che phần đỉnh nhằm tránh lộ hệ thống dẫn đường mà nó được trang bị./Tuấn Vũ

Không có nhận xét nào: